Mẫu Email Marketing đầu tiên được gửi vào năm 1978, đem về hơn 13 triệu đô doanh thu và biến nó thành một trong những kênh marketing phổ biến nhất cho đến ngày nay.
Hộp mail luôn là một thứ gì đó rất quan trọng đối với hầu hết mọi người, chúng ta thường kiểm tra tin tức, công việc hàng ngày thông qua mail và tạo ra cơ hội để các cá nhân/doanh nghiệp có thể tiếp cận với khách hàng thông qua việc gửi mail cho họ.
Trung bình 1 người sẽ phải nhận rất nhiều email khác nhau mỗi ngày, không ai đủ thời gian để mở ra để đọc hết, ngay cả bản thân mình cũng chỉ đọc các mail cảm thấy quan trọng và cần xử lý ngay.
Tư duy làm Email Marketing gửi hàng loạt đã lỗi thời, bạn sẽ cần thu thập danh sách email chất lượng đồng thời cho mọi người thấy được những nội dung bạn gửi đến quan trọng với họ như thế nào? Đây sẽ là chìa khóa thành công cho chiến dịch Email Marketing.
Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn bạn về Email Marketing và cách thực hiện một chiến dịch Email Marketing như thế nào để đạt được hiệu quả hơn.
Email Marketing là gì?
Email Marketing là hình thức sử dụng email (thư điện tử) làm phương tiện gửi nội dung tới khách hàng mục tiêu về thông tin/ bán hàng/ tiếp thị/ giới thiệu sản phẩm/dịch vụ,…
Email Marketing có thể khiến khách hàng trong danh sách email của bạn biết về các sản phẩm mới, giảm giá và các dịch vụ khác. Khi bạn muốn xây dựng thương hiệu, xây dựng mối quan hệ với khách hàng, phát triển và bán sản phẩm -> Email Marketing được xem là một trong những kênh marketing đem lại hiệu quả nhất.
Các doanh nghiệp ngày nay đều xem Email Marketing là một phần quan trọng không thể thiếu vì hầu hết mọi người đều có thói quen kiểm tra mọi thứ qua mail, mỗi một email quan trọng được gửi tới sẽ nằm trong hộp thư của họ như một lời xác nhận hoặc lưu trữ thông tin.
Tại sao Email Marketing quan trọng?
Email Marketing đem lại nhiều lợi ích trong việc kết nối xây dựng mối quan hệ với khách hàng, giới thiệu các dịch vụ mới, xây dựng thương hiệu,… và quan trọng hơn hết chi phí thấp hơn so với nhiều hình thức marketing khác.
Dưới đây mình sẽ đề cập nhiều hơn về các lợi ích cụ thể để bạn hình dung được tại sao các doanh nghiệp luôn đề cao về Email Marketing và xem đây là một hình thức quan trọng đối với hoạt động kinh doanh, marketing của họ.
1. Nội dung được cá nhân hóa
Một trong những lợi ích chính của tiếp thị qua email là nội dung của bạn có thể được cá nhân hóa theo mục tiêu tiếp cận khách hàng. Để có một chiến lược tiếp thị qua email thành công, bạn cần gửi đúng email đến đúng người vào đúng thời điểm.
Việc cá nhân hóa có thể bắt đầu từ hành động nhỏ như sử dụng tên của người được liên hệ trong email. Trên thực tế, những email có tên của người nhận trong dòng chủ đề có tỷ lệ xem cao hơn những email không có.
Mặt khác, bạn cũng có thể tạo nội dung được cá nhân hóa dựa trên phân khúc đối tượng khách hàng cụ thể của mình. Hành động này tác động vào tâm lý khách hàng rất lớn.
2. Dễ dàng thu thập thông tin và tối ưu hóa
Theo dõi trải nghiệm của khách hàng là rất cần thiết nếu bạn muốn khách hàng tiếp tục tương tác và mua hàng từ thương hiệu của bạn.
Email marketing có thể giúp bạn làm điều này. Chẳng hạn, bạn có thể gửi khảo sát về mức độ hài lòng của khách hàng để thu thập phản hồi của khách hàng thông qua các chiến dịch email.
3. Tăng doanh số bán hàng
Email marketing không những là kênh bán hàng tuyệt vời mà nó còn có khả năng cải thiện doanh số bán hàng rất hiệu quả.
Các chiến dịch tiếp thị qua email có thể giới thiệu các sản phẩm hoặc dịch vụ, khuyến khích khách hàng mua hàng sau khi từ bỏ giỏ hàng hoặc cung cấp các ưu đãi đặc biệt kích thích nhu cầu mua sắm trở lại của khách hàng.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng Email marketing để tự động hóa một phần quy trình bán hàng, điều này cũng có thể giúp tăng doanh số bán hàng.
4. Tăng traffic
Bạn dành nhiều giờ để tạo nội dung trên website, nhưng thuật toán google thường đến trễ. Có một cách để phổ biến nội dung cho khách hàng mục tiêu của bạn một cách nhanh nhất, đúng thời điểm mà không phải đợi bài đăng lên top, đó chính là Email marketing.
Bạn có biết, các chiến dịch truyền thông qua email có sức hút mạnh mẽ giúp kéo lưu lượng truy cập vào trang web của bạn, và dĩ nhiên nó rất tốt cho SEO. Ngoài ra, bạn sẽ khiến khán giả tương tác với thương hiệu trên trang web của mình.
Khi bạn tạo email thu hút khách hàng, hãy nhớ rằng mỗi email phải chứa lời kêu gọi hành động (CTA) để người đọc có thể nhấp đến website của bạn dễ dàng nhất nhé.
5. Tiếp cận nhanh chóng
Các chiến dịch quảng bá thương hiệu truyền thống thường yêu cầu có thời gian và địa điểm và bạn có thể mất hàng tháng để lên kế hoạch và tổ chức. Tuy nhiên, với tiếp thị qua email, bạn có thể triển khai toàn bộ chiến dịch trong thời gian ngắn hơn vì chúng không mất nhiều thời gian để lập kế hoạch.
6. Tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp
Có thể bạn biết, để tiếp cận khách hàng theo cách truyền thống như tư vấn trực tiếp hoặc in ấn rất tốn kém. Nhưng các chiến dịch tiếp thị qua email có xu hướng tiết kiệm chi phí hơn.
Ngoài ra, các nội dung trong email không mất nhiều thời gian và nhân công để làm. Nếu cần, bạn có thể tạo email trong một ngày, tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với thời gian xây dựng gian hàng trực tiếp hoặc chiến dịch in ấn, phát tờ rơi.
7. Chăm sóc khách hàng
Một trong những mục tiêu quan trọng của bất kỳ doanh nghiệp nào là cung cấp giá trị cho khách hàng. Để khách hàng trân quý và nhớ đến thương hiệu, email marketing là một công cụ tuyệt vời để nuôi dưỡng khách hàng trung thành và bền vững nhất.
Hướng dẫn làm Email Marketing cho người mới
Bắt đầu từ những thứ đơn giản, bạn cần phải có một danh sách những người đăng ký nhận email.
Hầu hết các doanh nghiệp sẽ có cách thu thập email của khách hàng thông qua các cách thức khác nhau, có thể là thông qua các form đặt ở website hoặc thông qua việc đăng ký mở các tài khoản của doanh nghiệp.
Còn đối với những blogger, họ sẽ đặt các form đăng ký nhận mail trên các website để mọi người tự chủ động điền vào, việc đăng ký email nhận tin tức hầu hết cần đến sự chủ động của khách hàng bởi điều này đồng nghĩa với việc họ quan tâm đến chủ đề, sản phẩm này và khi bạn gửi mail tới sẽ không rơi vào mục spam.
Sau đó bạn sẽ cần sử dụng đến các phần mềm Email Marketing như: Mailchimp, Getresponse, ActiveCampaign,… để thực hiện chiến dịch gửi email tới mọi người, sau đó theo dõi các chỉ số và tối ưu thêm.
Bước 1: Tạo email form thu thập danh sách
Thông thường khi bạn làm việc cho các công ty để đảm nhận chiến dịch Email Marketing là công ty đó đã có sẵn danh sách mail nên không cần phải thu thập, lúc này bạn chỉ cần xây dựng nội dung cho chiến dịch Email Marketing và thực hiện chúng.
Nếu như bạn tự xây dựng một danh sách mail mới cho công việc của bạn thì bạn sẽ cần phải tạo một email forms trên website thì có thể dùng plugin Thrive Lead, WPForms, Contact Form7,… đây là những plugin mình dùng trước đây khá tốt.
Bước 2: Nghiên cứu chiến dịch
Trong bất cứ chiến dịch tiếp thị Email Marketing bạn cũng cần dành thời gian nghiên cứu về khách hàng và sản phẩm muốn quảng bá.
Nghiên cứu khách hàng mục tiêu để hiểu rằng họ quan tâm và tương tác với những nội dung gì, hiểu sâu về các mục tiêu của họ và thiết lập chân dung khách hàng.
Mọi người thích cá nhân hóa, thích khuyến mãi, thích cảm giác được tôn trọng về mặt nội dung gửi đến,… dựa vào những kết quả nghiên cứu để chuẩn bị nội dung cho chiến dịch.
Bước 3: Sử dụng phần mềm Email Marketing
Khi đã tạo ra các form để thu thập mail hoặc có sẵn danh sách, bạn nên sử dụng tới các phần mềm Email Marketing để thực hiện chiến dịch.
Các phần mềm về Email Marketing ngày nay cung cấp đầy đủ tính năng cần thiết cho một chiến dịch, nó cho phép bạn tạo nội dung mail, thiết lập các tính năng phân nhóm khách hàng, tracking các chỉ số và automation marketing.
Hiện tại mình đang dùng ActiveCampaign cho các hoạt động gửi mail của mình tới mọi người, ActiveCampaign phù hợp với những doanh nghiệp và cá nhân thích các tính năng tự động hóa phù hợp cho công việc có khối lượng lớn.
Còn về Getresponse, Mailchimp sẽ phù hợp hơn cho những người mới bắt đầu.
Bước 4: Bắt đầu tạo chiến dịch
Các giao diện của những phần mềm Email Marketing cho phép bạn soạn thảo các email template để gửi đi, mỗi một ngành hàng sẽ có các mẫu email khác nhau phù hợp với sở thích, hành vi của nhóm khách hàng đó.
Và không phải lúc nào chúng ta cũng dùng được tất cả các email template, chính vì vậy bạn sẽ cần tự tạo ra các mẫu email phù hợp với các mục đích tại thời điểm nào đó.
Để viết một email chúng ta sẽ cần phải chú ý đến một số thứ sau:
- Tiêu đề email: mọi người sẽ nhìn thấy tiêu đề email đầu tiên khi truy cập vào hộp thư của họ, bạn sẽ có cơ hội vài giây để gây ấn tượng và thu hút mọi người thông qua tiêu đề của email. Hãy đặt tiêu đề đi vào trọng tâm của chủ đề, làm cho nó trở nên quan trọng đối với họ.
- Nội dung email: tùy vào mục tiêu của chiến dịch email bạn cần đưa ra nội dung về sản phẩm hấp dẫn bao gồm khuyến mãi, hình ảnh sản phẩm,… nội dung quan trọng nên ưu tiên làm nổi bật cho mọi người.
- Tối ưu hiển thị trên các thiết bị: đảm bảo nội dung được tối ưu hiển thị cho mọi thiết bị, đặc biệt là smartphone vì hành vi người dùng sử dụng smartphone nhiều hơn so với các thiết bị khác.
- Nút call to action: điều quan trọng trong một email được gửi đi là hãy cho khách hàng biết họ nên làm gì sau khi đọc xong nội dung, nút CTA là điều bắt buộc phải có trong nội dung.
Bước 5: Xây dựng kịch bản và lên lịch
Để công việc được tự động hóa, một trong những việc bạn nên làm là xây dựng kịch bản cho chiến dịch Email Marketing.
Kịch bản email là việc quan trọng giúp bạn dễ dàng quản lý, kiểm tra sự hiệu quả của toàn bộ chiến dịch. Thiết kế luồng gửi (workflows) phù hợp cho từng chiến dịch theo từng nhóm đối tượng là cách mà nhiều doanh nghiệp vẫn đang làm để đáp ứng lại với khối lượng công việc lớn.
Bạn cũng nên thiết lập thời giam gửi các mail để tăng tỉ lệ đọc cao nhất, hầu như các phần mềm Email Marketing đều cung cấp khả năng tự học của AI để tự động tối ưu về thời gian gửi, nhưng chức năng này không nhiều người sử dụng hiệu quả bởi chỉ có doanh nghiệp lớn với dữ liệu nhiều mới dùng hiệu quả.
Hãy tạo lịch biểu theo cách bạn muốn như phân loại màu cho từng nhóm đối tượng hoặc thông điệp khác nhau. Điều này hỗ trợ bạn trong việc xem nhanh chiến lược của mình.
Bước 6: Đo lường và tối ưu
Sau khi email được gửi đi như lịch trình, bạn nên theo dõi và phân tích hiệu suất của chiến dịch. Các chỉ số báo cáo về thường sẽ xuất hiện trên các dashboard của các CRM, phần mềm Email Marketing giúp bạn đánh giá tổng thể mọi thứ, muốn tối ưu chỉ số nào đó chỉ cần thực hiện các thay đổi cần thiết.
Email marketing automation là gì?
Email Marketing Automation là một phương pháp gửi email hàng loạt tới khách hàng một cách tự động, theo một lộ trình nhất định dựa trên những hành động, tương tác cụ thể của khách hàng với doanh nghiệp
Để triển khai các chiến dịch Email Marketing Automation, doanh nghiệp sẽ áp dụng các phần mềm/CRM giúp tự động hóa quá trình gửi email cho khách hàng dựa vào hành vi của họ.
Mục đích của việc sử dụng phương pháp Email Marketing Automation là giúp doanh nghiệp có thể tự động tạo ra khách hàng tiềm năng, phân loại và chăm sóc khách hàng dựa theo các kịch bản có sẵn, giảm thiểu tác vụ thủ công.
Kết
Tại Việt Nam xét về mức độ hiệu quả khi triển khai Email Marketing vẫn còn rất thấp so với các nước phương Tây.
Để nhận một tin tức, cập nhật sự thay đổi gì đó mọi người sẽ chủ động trên các kênh Social Media hoặc tham gia các cộng đồng thay vì phải kiểm tra mail quá nhiều. Trong nhiều năm làm marketing thì tỉ lệ mở mail ở châu Á thấp hơn nhiều với các nước phương Tây. Nếu bạn đang thực hiện chiến dịch Email Marketing tại quốc gia nào, hãy nghiên cứu hành vi của họ trước khi triển khai để đạt được hiệu suất tối đa về chi phí và mức độ hiệu quả.
Một mẹo dành cho bạn để tăng tỉ lệ chuyển đổi nếu làm Email Marketing tại Việt Nam đó là nên áp dụng Marketing Funnel – cách này thường thấy bởi các blogger bán các sản phẩm số hoặc các sản phẩm liên quan đến coaching.
Trên đây là hướng dẫn cơ bản về Email Marketing dành cho người mới, hy vọng bài viết giúp ích cho bạn trong công việc và đừng quên để lại bình luận bên dưới để thảo luận cùng mình về Email Marketing.