Ở các bài viết về chủ đề SEO trước đây, mình có nhắc tới Internal link là một việc vô cùng quan trọng đối với website.
Internal links rất dễ kiểm soát và mang lại hiệu quả SEO cao nhưng phần lớn mọi người bỏ qua nó, nói đúng hơn là xem nhẹ yếu tố này hoặc chưa hiểu đủ sâu về sức mạnh của chúng.
Mình là một người cực kỳ yêu thích việc nghiên cứu đặt các internal links cho website theo một cách “không trật tự” và kết quả nhận lại được hoàn toàn vượt trội so với những gì mong đợi.
Trong phạm vi bài viết này, mình muốn bạn hiểu rõ hơn về giá trị của Internal link và cách thức mà nó hoạt động, từ đó chúng ta mới có thể sử dụng internal link hiệu quả được.
Internal link là gì?
Internal link là liên kết từ một trang này sang một trang khác trên cùng một website.
Chẳng hạn như mình đang trỏ link tới bài viết: https://blogcasestudy.com/nghien-cuu-tu-khoa thì đây được xem là 1 internal link.
Cả Google lẫn người dùng đều tìm kiếm thêm thông tin dựa vào internal link mà bạn đặt trong bài viết.
Chẳng hạn như khi mà mình chia sẻ về việc “Nghiên cứu từ khóa” mà trong bài này không có nội dung này, thì mình có thể đặt link bài viết đó tại đây để ai có nhu cầu xem nội dung thì họ sẽ bấm vào.
Mỗi một website có rất nhiều liên kết nội bộ, ví dụ như từ trang chủ của bạn đến các bài viết hoặc các chuyên mục nằm trên thanh menu, đó cũng là internal link.
Nhưng quan trọng nhất vẫn chính là các internal link trong bài viết, mình tạm gọi các internal link trong bài viết là dạng internal link theo ngữ cảnh. Các liên kết ngữ cảnh sẽ hướng độc giả tới các nội dung liên quan và hấp dẫn hơn nhằm thõa mãn nhu cầu tìm kiếm của họ.
Về phía Google họ cực kỳ khuyến khích chúng ta dùng internal link cho bài viết, chúng có khả năng cung cấp cho các công cụ tìm kiếm như Google biết được nội dung trên web có giá trị và mức độ liên quan với nhau.
Những trang nào trong website nhận được nhiều liên kết nội bộ tới thì sức mạnh đổ về trang đó càng nhiều.
External link là gì?
Trước khi đi sâu hơn về Internal Link thì mình muốn những bạn nào là người mới biết thêm External link nữa.
External link (hay còn gọi là outbound link) là các liên kết trỏ ra các bài viết bên ngoài website.
Ví dụ, mình đang đặt 1 link trỏ tới website Kiemtiencenter thì đây được gọi là 1 external link.
Cả internal link và external link đều có vai trò quan trọng trong SEO. Đối với external link chúng sẽ giúp bạn tăng cường chất lượng bài viết trên Google.
Tuy nhiên, có một vài điều bạn cần lưu ý:
- Bản chất của việc External link là trỏ liên kết tới một nguồn nội dung mới cung cấp thêm thông tin liên quan mà độc giả cần và chúng ta chỉ trỏ link tới các nội dung có liên quan đến bài, nội dung đó phải là những website uy tín, có thẩm quyền cao.
- Một số trường hợp như internal link ra các link affiliate thì bạn cần phải để thuộc tính link là ref= “nofollow”.
- Không có quy tắc là mỗi bài sẽ internal link hoặc external link bao nhiêu, chỉ cần bạn cảm thấy phù hợp với ngữ cảnh trong bài thì có thể đặt.
Tại Việt Nam thì mọi người rất sợ và từ chối việc external link bởi họ sợ:
- Đặt link tới các website yếu hơn website họ (tức là họ bị giảm sức mạnh trong SEO).
- Các độc giả đến website khác thông qua external link mà họ đặt và sẽ không qua về đọc tiếp nữa.
Trên thực tế thì việc outbound link ra bên ngoài là việc làm rất cần thiết, đối với bản thân mình chẳng hạn mình cũng rất thường xuyên out link đến các trang có thẩm quyền trong cùng lĩnh vực và kết quả SEO cũng nhận về top 1 -> top 5 là chuyện bình thường.
Không một website nào có khả năng viết đầy đủ nội dung mà độc giả cần, đôi khi họ phải outlink ra các website khác có thông tin mà độc giả cần.
Về phía Google, khi mà bạn outlink ra sẽ giúp cho nó hiểu được rằng bài viết của bạn đang cung cấp đầy đủ thông tin và có dẫn nguồn thêm thông tin từ các website đáng tin cậy.
6 cách sử dụng internal link hiệu quả và tốt cho SEO
Hãy đa dạng anchor text
Anchor text là các từ khóa hoặc một đoạn văn bản được chèn liên kết vào.
Ví dụ mình đang trỏ link tới bài On-Page SEO thì “On-Page SEO” được xem là một anchor text.
Việc đặt internal link theo chính xác từ khóa cần SEO của bài viết trỏ tới là điều rất tốt, phía Google cũng từng nhấn mạnh rằng họ khuyến khích chúng ta làm điều này.
Nhưng có một điều cần chú ý tới, nếu bạn dùng 1 anchor text liên tục 100 lần giống thì điều này có vẻ hơi bất thường, hãy cố gắng đa dạng anchor text bằng các từ khóa liên quan hoặc từ khóa đồng nghĩa.
Chẳng hạn sau này Blogcasestudy mình có hàng chục bài viết về SEO và mình muốn internal link tới bài On-Page SEO thì có thể đa dạng anchor text dưới đây:
- Xem bài viết tại đây.
- Cách tối ưu On Page cơ bản cho người mới.
- Học On-Page SEO.
- https://blogcasestudy.com/on-page-seo/ -> đây được gọi là link trần vì anchor text là URL của bài viết đó, khi đi quá nhiều link thì đa phần mọi người không kiểm soát được và sợ bị phạt, lúc đó lựa chọn chèn link trần sẽ an toàn và ít bị Google phạt, link trần được dùng phổ biến khi triển khai các backlink bên ngoài cho website.
- ….
Các anchor text mình liệt kê ở trên có nghĩa tương đồng hoặc gần giống với chủ đề bài viết mình liên kết tới.
Tập trung liên kết tới các bài viết quan trọng
Link juice là một khái niệm mô tả dòng chảy sức mạnh khi có liên kết từ website khác trỏ về website của bạn.
Điều này cũng tương tự đối với internal link, mặc dù không hiệu quả nhanh chóng như backlink trong việc làm tăng thứ hạng nhưng internal link vẫn bổ trợ rất nhiều thứ.
Hãy tận dụng internal link để thúc đẩy những bài viết mới xuất bản do chưa có nhiều backlink trỏ tới hoặc tập trung internal link tới các bài quan trọng cần được lên top.
Đừng để bài viết nào của bạn trở thành “nội dung mồ côi” – bài viết không có liên kết trỏ đến.
Nên đặt nhiều liên kết nội bộ cho bài viết
Việc đặt nhiều internal link trong bài viết giúp Google hiểu bài viết bạn cung cấp nhiều hướng dẫn liên quan hơn và đồng thời giúp giữ chân người dùng ở lại website lâu, đây là tín hiệu tốt cho SEO.
Giả sử bài viết không internal link tới bài khác thì mọi người sẽ out ra khi đọc hết thông tin hoặc đọc giữa chừng, tại sao lại bỏ qua cơ hội giữ chân họ chỉ với việc đặt thêm các internal link.
Đặt nhiều liên kết nội bộ là tốt nhưng đừng spam hay lạm dụng quá, mình thấy nhiều người đặt hơn 100 link trong bài (bao gồm internal lẫn external link), điều này thật sự không tốt bởi mỗi một trang trên website chỉ có một chỉ số uy tín và sức mạnh nhất định, bạn để quá nhiều link trong bài thì lực sẽ phân tán rộng ra, chỉ nên thực sự để các nội dung hữu ích & liên quan.
Nên sử dụng dofollow với liên kết nội bộ
Thuộc tính dofollow và nofollow trong SEO giúp Google biết được rằng bạn có muốn con bọ theo dõi tiếp các liên kết nữa hay không.
Nếu các link trỏ tới là các bài viết có nội dung tốt thì bạn nên dùng thuộc tính dofollow, mặc định trong WordPress khi bạn chèn link là đã dofollow.
Vậy còn nofollow, chúng ta sẽ dùng thuộc tính này như thế nào?
Nofollow sẽ nhằm giải thích cho Google biết được các liên kết bạn đang trỏ là các liên kết ít giá trị và bọ Google sẽ không theo dõi kiểm tra liên kết đó nữa.
Thông thường, mọi người sẽ đặt nofollow đối với các link affiliate bởi các link này thường dùng để chuyển hướng mọi người để trang mua hàng chứ không có giá trị thông tin nhiều.
Đối với các liên kết nội bộ trong website, mình thường dùng 100% là dofollow, dĩ nhiên điều này vẫn được rất nhiều SEO-er dùng và không có gây ra tác dụng phụ gì cả, liên kết nội bộ trên website có thuộc tính dofollow là tốt.
Sử dụng internal link để Google lập chỉ mục bài viết nhanh hơn
Mỗi website Google sẽ ưu tiên lập chỉ mục (index) một số trang quan trọng, còn các trang mới tạo hoặc ít quan trọng đôi khi bị Google bỏ sót lại.
Lúc này, bạn có thể sử dụng internal link như một hướng dẫn thông tin để Google có thể truy cập và thu thập thêm các trang trên cùng website.
Ví dụ mình có 1 bài viết là A đã được xuất bản vài tháng trước, hiện tại đã được nằm trên top Google rồi và mình chèn cho nó 1 internal link tới một bài viết hôm nay vừa viết thì bọ của Google sẽ thu thập dữ liệu từ bài viết A đến các internal link mà mình để trong bài, điều này không hoàn toàn 100% giúp index nhanh nhưng nó có tác động tích cực tới thời gian index bài viết mới.
Ưu tiên các trang quan trọng lên Menu
Thông thường, trang chủ của website sẽ là trang có nhiều liên kết trỏ tới nhất, điều này đồng nghĩa với việc sức mạnh của trang chủ là nhiều nhất.
Nếu bạn đang muốn ưu tiên một trang nào đó lên top Google thì hãy để trang đó vào thanh Menu website, sức mạnh từ trang chủ sẽ được dẫn qua các trang trên Menu và xuống các bài viết con khác lần lượt.
Xét về hành vi của người dùng, đa phần mọi người khi vào trang chủ của bạn đều sẽ thao tác tìm kiếm thông qua Menu, đó là lý do bạn cần phải thực hiện việc xây dựng và thể hiện các trang/danh mục chính cần có trên thanh Menu để đáp ứng tốt cho nhu cầu tìm kiếm của độc giả.
Kết
SEO không thể hiếu backlink, càng không thể thiếu internal link được. Mình đã hướng dẫn cho bạn 6 cách sử dụng internal link hiệu quả mà mình đã áp dụng vài năm trở lại đây.
Thêm một điều nữa, mọi người thường hỏi mình về cấu trúc internal link thì mình chỉ xây dựng internal link theo cụm chủ đề (topic cluster) tức là gom các bài liên quan trong cùng 1 chủ đề rồi trỏ liên kết lại với nhau, bài nào quan trọng nhất thì sẽ nhận được internal link từ các bài còn lại.
Tới đây, coi như bạn đã hình dung ra được internal link quan trọng như thế nào và cách dùng hiệu quả rồi, cần lưu ý, internal link phải làm sao cho độc giả họ nhấn vào thì lúc đó mới có nhiều giá trị, đừng nghĩ cứ chèn đại vào thì kiểu gì cũng lên top.